Việc bán khoản nợ tại Tổ chức tín dụng cho cá nhân để xử lý nợ xấu có vi phạm quy định pháp luật không?

Việc bán khoản nợ tại tổ chức tín dụng cho cá nhân để xử lý nợ xấu có vi phạm quy định pháp luật không? Trường hợp được phép mua nợ, bán nợ, khoản nợ được mua, bán cần đáp ứng điều kiện gì? Nguyên tắc thực hiện hoạt động mua, bán nợ được quy định như thế nào?

Việc bán khoản nợ tại Tổ chức tín dụng cho cá nhân để xử lý nợ xấu có vi phạm quy định pháp luật không?

(1) Bên mua nợ: theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN:
“4. Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân là người cư trú sau:
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nước chấp thuận hoạt động mua nợ;
– Tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ (không phải tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ theo quy định của pháp luật;
– Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ.
– Tổ chức, cá nhân là người không cư trú.”

(2) Bên bán nợ: theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN:
“2. Khoản nợ được mua, bán là khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay và khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đang được theo dõi hạch toán nội bảng, ngoại bảng tại bảng cân đối kế toán hoặc đã xuất toán ra khỏi bảng cân đối kế toán của bên bán nợ có đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư này và bên nợ có nghĩa vụ thanh toán tiền cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Bên bán nợ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khoản nợ được bán theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, cá nhân vẫn có thể mua nợ từ tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khoản nợ được mua, bán cần đáp ứng điều kiện gì?

Khoản nợ được mua, bán phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, cụ thể như sau:
– Hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan của khoản nợ được mua, bán, hợp đồng bảo đảm (nếu có) do bên bán nợ cung cấp phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật.
– Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ.
– Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua, bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ.

Hoạt động mua nợ từ các tổ chức tín dụng bán nợ được thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?

Các nguyên tắc đối với hoạt động mua nợ, bán nợ diễn ra giữa khách hàng và tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN, cụ thể:
– Hoạt động mua, bán nợ không trái với nội dung quy định tại hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa bên bán nợ, khách hàng và bên bảo đảm.
– Hoạt động mua, bán nợ do các bên tự thỏa thuận, tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ; quy trình mua, bán nợ; quy trình định giá khoản nợ; quy trình bán đấu giá khoản nợ trong trường hợp tự đấu giá khoản nợ và quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước thực hiện mua, bán nợ.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán.
– Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
– Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
– Trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, thì bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về tỷ lệ tham gia, phương thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, phân chia giá trị tài sản đảm bảo (nếu có) cho phần nợ được mua, bán và các nội dung cụ thể khác tại hợp đồng mua, bán nợ đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
– Các khoản nợ được mua, bán nợ phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cá nhân vẫn có thể mua nợ tại các tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động bán nợ theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc mua nợ, bán nợ và điều kiện đối với những khoản nợ mua, bán được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nhất định nêu trên.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/viec-ban-khoan-no-tai-to-chuc-tin-dung-cho-ca-nhan-de-xu-ly-no-xau-co-vi-pham-quy-dinh-phap-luat-kh-625724-5797.html