Dịch vụ mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, trong đó quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã được bãi bỏ.

Giải đáp câu hỏi của báo chí về việc Bộ Tài chính cần chủ trì, nghiên cứu đề xuất việc thành lập thị trường mua bán nợ tại Việt Nam và giao dịch mua bán nợ, Bộ Tài chính cho biết: Luật Đầu tư năm 2014 quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hướng dẫn thi hành Luật, ngày 01/7/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Trong đó, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP không giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu đề xuất việc thành lập thị trường mua bán nợ tại Việt Nam và giao dịch mua bán nợ. Điều 9, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính nêu rõ, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Hướng dẫn thi hành Nghị định.

Triển khai thực hiện Nghị định trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và thực hiện quản lý giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thông qua báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Năm 2021, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Trong đó quy định hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư trong đó có quy định bãi bỏ Nghị định số 69/2016/NĐ-CP.

Như vậy, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành. Căn cứ quy định nêu trên, ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hoạt động kinh doanh mua bán nợ được thực hiện như một ngành nghề kinh doanh dịch vụ thông thường theo quy định hiện hành (không có hạn chế đối với ngành nghề này). Quy định này đã tháo gỡ các rào cản pháp lý để hoạt động kinh doanh mua bán nợ được thực hiện thông thoáng hơn.

Về hoạt động bán nợ, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp thực hiện và mỗi nhóm doanh nghiệp có khuôn khổ pháp lý hoạt động khác nhau. Trong đó, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) để mua bán nợ của các tổ chức tín dụng, thành lập theo Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập, tổ chức và hoạt động Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/10/2020, thực hiện mua bán nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 của Chính phủ và các Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đối với các tổ chức, cá nhân khác thì theo Luật Đầu tư sửa đổi, hoạt động kinh doanh mua bán nợ không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; do đó, việc kinh doanh mua, bán nợ sẽ được điều chỉnh chung theo quy định pháp luật dân sự và pháp luật doanh nghiệp (đối với các công ty mua bán nợ).

Bộ Tài chính thông tin, năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát về khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ và đã kiến nghị các bộ ngành có liên quan quan tâm đến các định chế nêu trên.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/dich-vu-mua-ban-no-khong-con-la-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-337422.html